Bé nhà mẹ có quấy khóc nhiều vào ban đêm, hay khó ngủ, giật mình khi ngủ? Đừng chủ quan, đây có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm tình trạng trẻ bị thiếu vitamin D, vì thiếu vitamin D thường gây ra những biểu hiện đầu tiên trên hệ thần kinh, làm tăng phản xạ kích thích!
Dấu hiệu trẻ thiếu vitamin D
Ngoài quấy khóc khó chịu thường xuyên, những dấu hiệu khác đi kèm có thể phản ánh tình trạng trẻ thiếu vitamin D ở giai đoạn sớm như: hay đổ mồ hôi trộm, mồ hôi lạnh khi ngủ ban đêm, trẻ vặn mình ngọ nguậy liên tục, trằn trọc tỉnh giấc thường xuyên,…
Các dấu hiệu muộn hơn mà sau này mẹ có thể phát hiện như bé bị chậm phát triển thể chất, sờ tay chân con có cảm giác nhão, da hơi xanh tái. Nguy hiểm hơn, khi tình trạng thiếu vitamin D nặng hơn thì có thể dẫn đến:
- Con chậm mọc răng, men răng kém, răng dễ bị sâu sún, mủn và mọc không thẳng hàng
- Lâu liền thóp, thóp mềm và rộng. Nếu nằm nhiều có thể dẫn tới đầu bẹt
- Có biểu hiện rụng tóc hình vành khăn ở sau gáy
- Chậm lớn. lâu biết bò, biết đi. Còi xương tùy theo các mức độ, tay chân yếu, chậm phát triển hơn so với bạn bè cùng trang lứa
- Khi tình trạng thiếu canxi nặng tới mức hạ canxi trong máu, còn có thể dẫn đến tình trạng co giật
Theo Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, các nghiên cứu từ năm 2010 cho thấy tình trạng trẻ thiếu vitamin D ở Việt Nam ở mức cao: 62,1% với trẻ em ở thành thị và 53,7% với trẻ ở nông thôn. Hai nhóm đối tượng chính được thống kê bao gồm
- Trẻ sinh non thiếu tháng (dưới 2,5kg). sau khi sinh không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tự nhiên. Mẹ dinh dưỡng kém trong thời gian mang thai ( mẹ thiếu vitamin D nặng) và trong thời gian cho con bú (hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ quá thấp)
- Trẻ ăn ngoài sớm các loại sữa bột và sữa ngoài, ít bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin D. Trẻ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Ngay cả với trẻ lớn hơn ở độ tuổi đi học, chính việc ít tiếp xúc với ánh mặt trời tự nhiên (con đi học sớm, chỉ ở trong phòng và khi tan học đã hết ánh nắng) cũng làm phần lớn trẻ không có đủ lượng vitamin D cần thiết mà cơ thể cần.
>>> Xem thêm: Vì sao trẻ thấp còi và nên ăn gì để cải thiện?
Vai trò của vitamin D cho sự phát triển của trẻ
Vitamin D bao gồm có D2 và D3, là vitamin cần thiết và quan trọng giúp duy trì cân bằng nồng độ canxi trong máu, xương và ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của hệ cơ xương khớp. Chính nhờ sự có mặt của vitamin D mà canxi được hấp thu tốt hơn, đồng thời điều hòa giữ được mức canxi luôn ổn định.
Vitamin D cũng tham gia vào các quá trình hấp thu photpho và một số nội tiết tố khác. Đủ vitamin D cũng giúp hạn chế tình trạng còi xương, đồng thời giúp sức khỏe miễn dịch và sức đề kháng tốt hơn, các tình trạng quấy khóc đêm, vặn mình mất giấc, rụng tóc vành khăn, đổ mồ hôi trộm,…. ở trẻ nhỏ cũng không thường xuyên xảy ra.
Có nên bổ sung vitamin D cho trẻ
Vitamin D là vitamin cơ thể có thể tự tổng hợp được, chủ yếu xảy ra dưới da và dưới tác dụng của ánh nắng tự nhiên. Một phần khác có thể bổ sung từ các loại thực phẩm hằng ngày
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) đã khuyến cáo nhu cầu vitamin D hàng ngày cho mọi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, kể từ những ngày đầu tiên của cuộc đời là 400 đơn vị UI (Báo cáo năm 2008)
Mẹ cần biết rằng lượng vitamin D có trong sữa mẹ là khoảng 25 đơn vị UI/lit, thấp hơn rất nhiều so với lượng cơ thể trẻ yêu cầu, nên mọi trẻ đều cần phải bổ sung thêm, qua sữa ngoài đã tăng cường vitamin D, hoặc qua các biện pháp dưới đây
>>> Xem thêm: Trẻ hay khóc đêm là thiếu chất gì?
Cách bổ sung vitamin D đúng cách cho bé
Phơi nắng đúng cách
Vì ánh sáng mặt trời sẽ giúp tổng hợp vitamin D từ tiền chất trong da. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra riêng tắm nắng đúng cách đã hỗ trợ bổ sung tới 90% lượng vitamin D cần thiết.
Một khuyến cáo khá cụ thể mà mẹ có thể áp dụng:
- Với trẻ còn quấn tã, mẹ cho bé phơi nắng 30 phút mỗi tuần là đủ. Nên cho bé tắm nắng buổi sáng (khoảng thời gian từ 7h30 tới 9h) khi ánh mặt trời còn dịu.
- Nếu bé mặc quần áo và đội nón, chỉ phơi cẳng tay, cẳng chân ra ngoài thì cần 90 phút mỗi tuần (nhớ chia nhỏ khoảng thời gian này trong tuần)
Bổ sung thông qua đường uống
Đây cũng là một giải pháp được các Bác sĩ khuyên dùng vì 2 nguyên nhân: dễ dàng – hiệu quả – dễ kiểm soát và tránh được nhiều tác hại không mong muốn khi mẹ cho trẻ tắm nắng sai cách. Nhiều chế phẩm bổ sung vitamin D trên thị trường như Aquadetrim, Sterogyl,… dạng giọt uống hay các chế phẩm bổ sung D3 trong các sản phẩm vitamin tổng hợp mẹ có thể dễ dàng tìm được trong các Nhà thuốc.
Với các đối tượng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có nhiều nguy cơ, liều bổ sung vitamin D được khuyên dùng như sau:
- Bổ sung đủ 400 đơn vị vitamin D/ngày liên tục với trẻ dưới 18 tháng tuổi khi không đáp ứng lượng vitamin D theo khuyến cáo ngày (kể cả trẻ bú mẹ hoặc dùng sữa ngoài). Trẻ từ 18 tháng trở lên chỉ nên dùng liều trên khi không tắm nắng đầy đủ.
- Bổ sung 400 – 800 đơn vị vitamin D/ngày liên tục cho trẻ sinh non trong 15 tháng đầu theo chỉ định Bác sĩ
Khi bổ sung thêm vitamin D, mẹ cần lưu ý tránh lạm dụng bổ sung quá nhiều. Thừa vitamin D và không đào thải kịp cũng có thể gây hại, nhất là xảy ra các biến chứng ở giác mạc mắt, hoặc làm con tăng kích thích thần kinh, gây ra nhức đầu, kém ăn,…
Sử dụng chế độ ăn hợp lý, đa dạng, cải thiện bữa ăn gia đình
Lựa chọn các thực phẩm giàu canxi, vitamin D. Chế độ ăn cần có đủ chất đạm, vitamin, khoáng chất và đủ dầu mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin D tốt hơn
Gợi ý các nhóm thực phẩm giàu hàm lượng vitamin D:
- Các loại ngũ cốc dinh dưỡng, yến mạch, nhiều loại trái cây, rau củ.
- Cá, dầu gan cá: cá hồi, cá thu, các loại cá biển khác,…
- Trứng, lòng đỏ trứng, đậu nành, các chế phẩm từ sữa như pho mát, bơ, …
Riêng với mẹ, ngoài đảm bảo chế độ ăn đa dạng và đầy đủ dưỡng chất, tăng cường các nhóm thực phẩm giàu vitamin D, hãy tuân thủ đúng hướng dẫn cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và nếu có thể nên cho con tiếp tục bú mẹ tới 24 tháng
Với mẹ đang mang thai, cần lưu ý uống các sản phẩm và thực phẩm bổ sung vitamin D, canxi,.. theo chỉ định của Bác sĩ để hỗ trợ.