Mỗi giấc ngủ của trẻ từ 0-3 tháng tuổi thường kéo dài 2-3 tiếng. Tuy nhiên có những trẻ sơ sinh ngủ 1 tiếng lại dậy khiến cho các bà mẹ không khỏi lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vậy nguyên nhân khiến trẻ ngủ ít là gì và cách khắc phục như thế nào? Bài viết dưới đây chính là giải pháp để mẹ và bé ngủ ngon và sâu giấc.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển. Ở những tháng đầu đời, trí não của trẻ hoạt động nhanh và phát triển liên tục nên rất cần thời gian ngủ đủ và ngủ sâu để các tế bào não bộ được sản sinh nhanh chóng. Đồng thời, ngủ cũng là khoảng thời gian mà cơ thể trẻ được nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng cần thiết cho hoạt động khi thức.
Do đó, khi trẻ sơ sinh ngủ 1 tiếng lại dậy hay thường xuyên trằn trọc, khó ngủ sẽ dẫn tới tình trạng chậm lớn, còi cọc, kém phát triển hơn các bạn cùng trang lứa.
Trẻ sơ sinh ngủ mấy tiếng một ngày?
Trong vòng 1 tháng đầu sau sinh, hầu hết thời gian ngày và đêm của trẻ là dành để ngủ. Trẻ chỉ thức dậy để bú mẹ và đi vệ sinh. Thời gian ngủ trung bình của trẻ là 16-18 tiếng một ngày và rất ít khi thức. Mỗi giấc ngủ sẽ kéo dài 2-3 tiếng.
Tuy nhiên nếu mẹ thấy bé chỉ ngủ 1 tiếng lại dậy và hay trọc trọc, ngủ không sâu giấc thì là bé đang gặp vấn đề về giấc ngủ. Lúc này mẹ cần tìm ra nguyên nhân sớm để khắc phục.

Thời gian ngủ trung bình của trẻ là 16-18 tiếng một ngày và rất ít khi thức
Trẻ sơ sinh ngủ 1 tiếng lại dậy là do đâu?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ sơ sinh ngủ ít và hay thức giấc sớm. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp được các chuyên gia nhận định:
Trẻ bị đói: Cơ thể của trẻ sơ sinh còn rất non nớt và cần thời gian để hoàn thiện. Do đó dạ dày của bé còn rất nhỏ, lượng sữa nạp vào cơ thể khiến bé nhanh no cũng nhanh đói, đặc biệt là khi bé bú ít thì tình trạng thức giấc vì đói là điều dễ xảy ra.
Tiếng ồn: Phòng ngủ của bé phải đảm bảo luôn yên tĩnh, không ồn ào. Mẹ cần hạn chế mọi tiếng ồn xung quanh không gian ngủ để bé không bị giật mình thức giấc.
Chưa thích nghi được với môi trường ngoài bụng mẹ: Chắc chắn cuộc sống trong tử cung của mẹ sẽ yên bình hơn hẳn môi trường bên ngoài. Cơ thể trẻ sơ sinh vốn nhạy cảm, lại phải chịu nhiều tác động từ môi trường xung quanh như: âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tiếng ồn,… chắc chắn bé sẽ không thể thích ứng ngay được và giấc ngủ cũng dễ bị kích thích bởi các yếu tố đó.

Trẻ sơ sinh ngủ ít và dễ thức giấc có thể do tác động bởi các yếu tố từ môi trường bên ngoài
Tã/ bỉm ướt: Một chiếc tã/ bỉm ẩm ướt, thấm ngược lên mông chắc chắn sẽ khiến bé khó chịu và không thể ngủ ngon giấc.
Thiếu hụt dưỡng chất: Trẻ sơ sinh ngủ 1 tiếng lại dậy có thể còn vì trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết, gồm vitamin D và canxi. Ngoài việc dễ thức giấc, trẻ bị thiếu canxi còn có các biểu hiện như: vặn mình, ra mồ hôi trộn, rụng tóc vành khăn, quấy đêm,…
>>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh ngủ ngắn giấc không sâu: Nguyên nhân, giải pháp
Trẻ sơ sinh ngủ 1 tiếng lại dậy và hay vặn mình có phải là dấu hiệu nguy hiểm?
Trẻ sơ sinh ngủ ít và hay vặn mình khiến cha mẹ không khỏi lo lắng, vì một giấc ngủ bất thường rất có thể sẽ là dấu hiệu của một sức khỏe kém. Các bác sĩ Nhi khoa cho biết, trẻ ngủ ít và hay vặn mình có thể bởi nhiều nguyên nhân, gồm cả nguyên nhân sinh lý và bệnh lý. Mẹ cần chú ý theo dõi để biết được khi nào thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Với trẻ vặn mình sinh lý, bé sẽ rướn người vặn mình khoảng vài phút rồi tự hết. Đến khi bé được 3 tháng tuổi thì tình trạng vặn mình này sẽ tự hết.

Trẻ ngủ ít và hay vặn mình có thể vì nguyên nhân sinh lý hoặc nguyên nhân bệnh lý
Còn với trẻ vặn mình do bệnh lý, trẻ sẽ đi kèm với các biểu hiện điển hình như: quấy đêm, đổ mồ hôi trộn, rụng tóc vành khăn, lười bú, còi cọc, chậm lớn. Khi bé của mẹ có các dấu hiệu này thì mẹ hãy đưa bé đi khám ngay để được chữa trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ của trẻ sau này.
Cách khắc phục tình trạng trẻ dậy liên tục
Muốn cho trẻ sơ sinh có những giấc ngủ ngon và sâu hơn, mẹ hãy áp dụng một số biện pháp sau:
Dạy trẻ phân biệt ngày và đêm: Ban ngày, mẹ nên mở cửa sổ để phòng ngủ của bé có nhiều ánh sáng; trò chuyện, chơi đùa với bé nhiều hơn; để bé được nghe những âm thanh diễn ra trong cuộc sống hàng ngày như: tiếng chó sủa, tiếng máy hút bụt, tiếng quạt chạy, tiếng ti vi,… Còn ban đêm thì tạo không gian yên tĩnh và hạn chế ánh sáng mạnh.

Dạy trẻ phân biệt ngày và đêm là một cách hiệu quả để giúp trẻ có những giấc ngủ ngon và sâu
Rèn thói quen đi ngủ cho trẻ: Trước khi đi ngủ mẹ nên hát ru, đọc truyện, hay đơn giản là xoa lưng cho bé để tạo thói quen trước giờ đi ngủ cho bé.
Tập cho trẻ ngủ một mình: Khi thấy bé có dấu hiệu buồn ngủ, mẹ hãy nhẹ nhàng đặt bé xuống giường/ nôi/ cũi. Sau đó hát ru và xoa lưng để bé tự chìm dần vào giấc ngủ. Tuyệt đối không nên rung lắc bé trên tay để ru ngủ, sẽ tạo thói quen xấu cho bé.
Chăm sóc trẻ sơ sinh cần đòi hỏi sự nhẫn nại và kiên trì. Với những trẻ sơ sinh ngủ 1 tiếng lại dậy thì có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân, mẹ cần chú ý theo dõi phản ứng cơ thể của bé để có cách xử lý hợp lý và kịp thời. Nếu thấy bé có những dấu hiệu bất thường, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Chúc bé yêu luôn khỏe mạnh và có những giấc ngủ ngon!