Theo một số nghiên cứu của các chuyên gia tình trạng trẻ nghiến răng khi ngủ thường xuất hiện nhiều ở những trẻ từ 3 – 6 tuổi, nếu kéo dài sẽ gây tác động xấu đến cấu trúc răng của bé. Vậy nghiến răng khi ngủ liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé hay không? Và làm thế nào để giải quyết vấn đề này hiệu quả nhất?
Tại sao trẻ nghiến răng khi ngủ?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ ở trẻ, tuy nhiên phổ biến nhất là những nguyên nhân sau đây:
- Trẻ gặp vấn đề về răng miệng: Nhiều trẻ đang trong giai đoạn mọc răng, viêm lợi hay bị viêm xoang miệng,… khiến bé thấy khó chịu trong khoang miệng
- Ngoài ra, nếu trẻ gặp vấn đề về đường tiêu hóa, các ký sinh trùng đường ruột có thể tiết ra độc tố gây kích thích thần kinh chi phối cơ hàm, từ đó gây ra tình trạng nghiến răng.
- Những vấn đề về tâm lý như lo âu, căng thẳng, mệt mỏi hoặc do thần kinh bị kích thích quá mức làm chức năng vỏ não bị mất thăng bằng
- Sức khỏe yếu, hay cơ thể trẻ cảm thấy lạnh trong lúc đi ngủ
- Do phản ứng với một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc loạn thần
Ngoài những lý do phổ biến như trên, việc nghiến răng khi ngủ cũng liên quan đến một số vấn đề về thần kinh và bệnh lý mà mẹ cần lưu ý, quan tâm và theo dõi để điều trị cho trẻ kịp thời.
Chứng nghiến răng không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà vói những trẻ mới lớn cũng hay gặp hiện tượng này. Điều này có thể là do tâm lý lo lắng hoặc sức khỏe của trẻ không được tốt hay bị ốm vặt. Tuy nhiên khi đến tuổi trưởng thành thì sẽ mất hẳn. Mặc dù vậy mẹ cũng phải chú ý và theo dõi tình trạng này cho con.
>>> Xem thêm: 5 mẹo hữu ích giúp ngăn ngừa bé bị nghẹt mũi khó ngủ
Những ảnh hưởng của chứng nghiến răng khi ngủ
Hầu hết chứng nghiến răng khi ngủ sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, tuy nhiên nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc răng của bé. Cụ thể:
- Có thể gây mòn răng: Nếu trẻ nghiến răng khi ngủ quá mạnh, kéo dài và thường xuyên có thể làm vỡ men răng, mức độ tùy thuộc vào độ cứng mô răng của mỗi bé. Khi răng bị mòn, các thức ăn thừa có thể bám lại trên răng nhiều hơn, làm tăng nguy cơ sâu răng ở trẻ. Khi răng trẻ bị mòn, việc tiếp xúc với thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến trẻ đau, buốt và khó chịu.
- Cấu trúc hàm và mặt bị biến dạng: Nếu tình trạng nghiến răng ở trẻ trầm trọng hơn có thể khiến cấu trúc hàm và mặt bị ảnh hưởng, xương hàm bị biến dạng.
Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu như răng bị mọc lệch, mòn, nguy cơ sâu răng cao và tần suất nghiến răng khi ngủ liên tục, không có dấu hiệu giảm,… thì mẹ cần đưa bé đi khám nha khoa để đảm bảo an toàn.

Nghiến răng khi ngủ sẽ làm ảnh hưởng đến cấu trúc răng của trẻ
Giải pháp xử lý cho trẻ nghiến răng khi ngủ
Hầu hết tình trạng nghiến răng khi ngủ ở trẻ sẽ giảm dần và biến mất khi bé lớn lên, tuy nhiên mẹ cũng nên đưa bé đi kiểm tra nha khoa thường xuyên để theo dõi kịp thời những biểu hiện và thay đổi ở răng của trẻ.
Để cải thiện chứng nghiến răng khi ngủ của bé, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng
Mẹ nên thiết lập một chế độ dinh dưỡng với đầy đủ các nhóm chất cần thiết cho cơ thể bé, việc thiếu canxi, magie hay một số vi dưỡng chất khác có thể gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ. Ưu tiên một số loại thực phẩm như các loại rau xanh thẫm, củ quả tươi, sữa,…
2. Có thể dùng thêm dụng cụ bảo vệ hàm
Nếu trẻ thường xuyên nghiến răng mẹ có thể lựa chọn sử dụng thêm dụng cụ bảo vệ hàm cho bé để ngăn không cho hai hàm răng chạm vào nhau, tuy nhiên chỉ sử dụng vào buổi tối trước khi đi ngủ và tháo ra vào sáng hôm sau. Trước khi sử dụng, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nha khoa để đảm bảo an toàn cho con.
3. Tăng cường vận động cho trẻ
Việc vận động, cho trẻ vui chơi các hoạt động bổ ích sẽ giúp cơ thể tiết ra một loại hormone là endorphin có khả năng giảm đau tự nhiên, khi trẻ không bị căng thẳng, lo âu, mệt mỏi tình trạng nghiến răng khi ngủ cũng sẽ giảm dần.
Trên đây là một số thông tin mẹ có thể tham khảo để không còn lo lắng về vấn đề trẻ nghiến răng khi ngủ. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con, mẹ nên cho bé đi khám sức khỏe định kỳ để được các bác sĩ chuyên môn tư vấn cách chăm sóc bé tốt nhất theo từng giai đoạn.