Ra mồ hôi trộm nhiều kể cả ở trẻ sơ sinh và trẻ mới lớn, đặc biệt trong lúc ngủ là tình trạng hay gặp, làm cha mẹ lo lắng. Mặc dù chăm sóc con rất kỹ nhưng vấn đề vẫn xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Những nguyên nhân khiến trẻ bị ra mồ hôi trộm
Ở trẻ nhỏ, mồ hôi có thể xuất hiện từ một số bộ phận như trán, gáy,…nhưng cũng có khi là toàn thân. Trẻ nhỏ đổ mồ hôi trộm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
1, Do sinh lý bình thường của cơ thể
Trẻ nhỏ hệ thần kinh não bộ chưa hoàn toàn phát triển, sự trao đổi chất diễn ra với cường độ mạnh hơn. Vì thế, bé dễ bị kích thích và đổ mồ hôi để tỏa nhiệt cho cơ thể. Thường đây là hiện tượng bình thường, mồ hôi sinh lý không có sự tác động gây hại đến sức khỏe của bé.
2, Bé bị thiếu vitamin D
Trẻ bị ra mồ hôi trộm do thiếu vitamin D thường đi kèm với việc ngủ không ngon giấc, thường xuyên mệt mỏi, tâm trạng chán nản. Giai đoạn trẻ 1 tuổi với sự phát triển vượt bậc của hệ xương thường sẽ thiếu vitamin D. Hoặc một số bé sinh non, suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, không được tắm nắng thường xuyên cũng có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin D. Có một kinh nghiệm khá hay để nhận biết tình trạng thiếu vitamin D đó là khi bé đổ mồ hôi trộm cùng với tóc rụng hình vành khăn phía sau đầu.

Vitamin D hấp thụ từ ánh sáng mặt trời giúp hạn chế tình trạng trẻ ra mồ hôi trộm
Nguồn vitamin D bổ sung tốt nhất là cho trẻ tắm nắng trong khoảng thời gian từ 8h – 9h sáng, mỗi ngày 10 – 15 phút, Để da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời (nhưng cần bảo vệ mắt).
3, Trẻ mắc chứng tăng tiết mồ hôi
Mặc dù hiếm gặp ở trẻ nhỏ, nhưng đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé đổ nhiều mồ hôi. Điều này xuất hiện khi bé ra nhiều mồ hôi ở ở bàn tay, chân, nách, mặt mà không gặp bất kỳ lý do nào. Ngay cả khi thời tiết mát, hay trong phòng điều hòa mà mồ hôi vẫn xuất hiện nhiều thì có thể tuyến mồ hôi của trẻ có vấn đề. Mẹ nên đưa con đi khám để xác định được vấn đề của bệnh một cách chính xác nhất.
4, Trẻ bị ra mồ hôi trộm là biểu hiện của một số căn bệnh
Vấn đề đổ mồ hôi ở trẻ sơ sinh có thể xuất phát từ một số căn bệnh mà bé mắc phải như:
- Tim bẩm sinh: với nguyên nhân này, mồ hôi không chỉ diễn ra trong lúc ngủ mà còn cả những hoạt động khác. Khi mang thai em bé, tim của trẻ bị khuyết tật bẩm sinh nào đó khiến bé phải hoạt động cơ thể nhiều hơn, tốn nhiều năng lượng hơn để bơm đủ máu đi khắp cơ thể.
- Trẻ bị ốm, sốt: cũng giống như người lớn, khi con trẻ bị bệnh, nhất là liên quan đến đường hô hấp, các cơ quan trong cơ thể nóng hơn, hoạt động nhiều hơn, cơ chế cơ thể tiết mồ hôi phù hợp với chế độ hằng nhiệt của cơ thể.
- Trẻ bị còi xương cùng với biểu hiện chóp thở chậm liền, chân tay vòng kiềng, xương yếu, ăn uống kém,…là nguyên nhân làm trẻ nhỏ đổ nhiều mồ hôi.
Một chế độ sinh hoạt đầy đủ dưỡng chất và khoa học giúp con tăng sức đề kháng và khỏe hơn là điều cần thiết. Khi bé bị bệnh, chăm sóc đặc biệt càng quan trọng hơn nữa. Nhưng quan trọng nhất chính là giúp con cảm thấy khỏe hơn, đưa bé đến bác sỹ sớm nhất có thể để phát hiện nguyên nhân bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.
5, Do thói quen chăm sóc trẻ hằng ngày của cha mẹ
Nhiều mẹ chăm con kỹ, sợ bé lạnh mà quấn nhiều chăn màn, mặc nhiều quần áo khiến con bị nóng, bí bách là nguyên nhân khiến trẻ bị ra mồ hôi trộm. Hoặc không gian ngủ của trẻ nóng bức, không thông thoáng cũng là nguyên nhân tác động.

Bố mẹ mặc đồ, quấn chăn quá kỹ cho bé cũng có thể khiến con đổ mồ hôi
Vì thế, cha mẹ cần khoa học hơn trong cách chăm con nhỏ. Lựa chọn những chất liệu chăn màn và quần áo thoáng mát, không gian ngủ thông thoáng, trong lành là những gì mẹ có thể làm để chăm sóc giấc ngủ của bé tốt hơn. Bên cạnh đó, vệ sinh thân thể sạch sẽ và bổ sung lượng nước đầy đủ mỗi ngày cũng giúp con khỏe mạnh hơn.
>>> Xem thêm: Trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ cha mẹ cần làm gì?
Giải pháp xử lý trẻ ra mồ hôi trộm ở đầu hiệu quả
Nếu trẻ bị ra mồ hôi trộm ở đầu do sinh lý thì mẹ không cần quá lo lắng, lúc này mẹ chỉ cần áp dụng một số biện pháp sau đây để cải thiện tình hình cho con:
Vào mùa hè, mẹ nên lựa chọn những loại quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất liệu dễ thấm hút mồ hôi để mặc cho trẻ. Tránh ủ ấm bé quá mức khiến con khó chịu và ra nhiều mồ hôi hơn.
Khi thấy bé bị đổ mồ hôi trộm nhiều, mẹ nên sử dụng một chiếc khăn mềm để lau sạch cơ thể cho con, tránh để lâu khiến bé bị cảm lạnh do mồ hôi bị thấm ngược vào trong.
Những trẻ bị ra mồ hôi trộm thường rất dễ mất nước, vì vậy mẹ cần thường xuyên bổ sung, cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết cho con. Với những trẻ đang trong giai đoạn bú, mẹ có thể tăng cường các cữ bú cho con, ngoài ra có thể cho bé sử dụng thêm các loại nước ép hoa quả, sinh tố để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất.
Luôn giữ không gian ngủ của bé thoáng mát, sạch sẽ, để nhiệt độ phòng ở mức tiêu chuẩn, phù hợp với thân nhiệt của con. Sau khi bé vui chơi, hoạt động xong cần cho trẻ nghỉ ngơi rồi tắm rửa sạch sẽ hàng ngày.
Ngoài ra, mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám sức khỏe để bổ sung thêm các loại vi dưỡng chất cần thiết, không được tự ý bổ sung canxi, vitamin D cho con khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Trẻ ra mồ hôi trộm ở đầu nếu có dấu hiệu mệt mỏi, chậm phát triển, xương mềm, rụng tóc vành khăn, khó ngủ, quấy khóc về đêm,… thì mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và hỗ trợ điều trị kịp thời. Hi vọng mẹ đã có cái nhìn chính xác và khoa học về tình trạng của bé. Chúc các con luôn khỏe mạnh, lớn nhanh và hạnh phúc bên cha mẹ.