WHO ước tính rằng có tới 40% phụ nữ mang thai trên toàn thế giới bị thiếu máu. Thiếu máu ở bà bầu có thể làm tăng nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng như sinh non và nhiễm trùng mẹ sau sinh. Đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu nghiêm trọng
Những điểm chính:
|
Triệu chứng thiếu máu ở bà bầu
Ban đầu, bà bầu có thể nhầm dấu hiệu thiếu máu với các triệu chứng bình thường của thai kỳ. Một số phụ nữ mang thai hoàn toàn không biết mình đang bị thiếu máu cho đến khi xét nghiệm máu định kỳ phát hiện ra.
Nếu thiếu máu nhẹ, bạn sẽ cảm thấy hơi mệt mỏi
Nhưng khi thiếu máu nặng, phụ nữ mang thai có thể cảm thấy như bị hụt hơi liên tục, hay thở nhanh, thở dốc và yếu ớt. Số lượng hồng cầu tụt thấp, lượng oxy cung cấp tới các mô giảm sẽ khiến các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn:
- Quá mệt mỏi
- Tim thường đập loạn nhịp.
- Nhức đầu, chóng mặt, quay cuồng
- Hay có cảm giác tê hoặc cảm giác lạnh ở bàn tay và bàn chân
- Nhiệt độ cơ thể thấp
- Da nhợt nhạt xanh xao: ở các khu vực như môi, móng tay, lòng bàn tay hoặc bên dưới mí mắt
- Đau ngực
- Khó chịu (đặc biệt do thiếu B12)
Vì sao bà bầu bị thiếu máu?
Cơ thể của phụ nữ trải qua những thay đổi đáng kể khi mang thai để chăm sóc em bé đang lớn. Lượng máu trong cơ thể tăng khoảng 20-30% (phụ nữ trung bình sẽ có khoảng 5L máu khi không mang thai, so với 7 đến 8L máu khi gần cuối thai kỳ).
Việc tạo thêm các tế bào máu và hemoglobin cần rất nhiều sắt, vitamin B12 và folate (trong 3 yếu tố này, sắt thường rất khó hấp thu khiến hemoglobin khó được tạo ra).
Nhất là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, nhiều bà bầu không bổ sung đủ lượng sắt và vitamin cần thiết để đảm bảo cho quá trình này dẫn đến thiếu máu trong thai kỳ.
- Thiếu máu do thiếu sắt: đây là loại thiếu máu phổ biến nhất trong thai kỳ (chiếm 95%). Loại thiếu máu này xảy ra khi cơ thể không có đủ sắt để sản xuất hemoglobin vận chuyển oxy, đặc biệt khi nhu cầu sắt trong thai kỳ gia tăng.
- Thiếu vitamin B12. Vitamin B12 rất quan trọng trong việc tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh và protein. Phụ nữ không ăn bất kỳ loại thực phẩm nào từ động vật (người ăn thuần chay) có nhiều khả năng bị thiếu vitamin B12.
- Thiếu folate (axit folic): Cơ thể người phụ nữ mang thai cần folate để sản xuất các tế bào mới, bao gồm các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Khi thiếu acid folic, cơ thể không thể tạo ra đủ các tế bào hồng cầu bình thường để vận chuyển oxy đến mô. Bên cạnh đó, bổ sung axit folic trước khi mang thai và trong giai đoạn đầu thai kỳ cũng giúp giảm nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh về não và tủy sống
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bà bầu bị thiếu máu
- Mang hai thai gần nhau, mang thai đôi
- Thường xuyên bị nôn do ốm nghén
- Có kinh nguyệt nhiều trước khi mang thai
- Chế độ ăn uống không đầy đủ, chế độ ăn chay.
- Phụ nữ sử dụng một số loại thuốc như aspirin thường xuyên, bị bệnh Celiac (không dung nạp Gluten), viêm đường ruột Crohn hoặc đã phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày.
Chẩn đoán thiếu máu ở bà bầu
Khi thăm khám định kỳ, các bác sĩ thường thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra tỷ lệ phần trăm hồng cầu trong huyết tương và lượng hemoglobin trong máu của phụ nữ mang thai. Đây là những chỉ số cho biết bà bầu có nguy cơ bị thiếu máu hay không.
- Xét nghiệm Hematocrit. Nó đo tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu trong một mẫu máu.
- Xét nghiệm Huyết sắc tố. Nó đo lượng hemoglobin – một loại protein giàu chất sắt trong các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đến các mô trong cơ thể.
Nếu có mức hemoglobin hoặc hematocrit thấp hơn bình thường, chứng tỏ bà bầu có thể bị thiếu máu do thiếu sắt. Bác sĩ có thể kiểm tra các xét nghiệm máu khác để xác định xem tình trạng thiếu màu chỉ do thiếu sắt hoặc một nguyên nhân khác gây ra hay không. Các xét nghiệm này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba của thai kỳ .
Thiếu máu ở bà bầu nguy hiểm như thế nào?
Thiếu máu nhẹ có thể là bình thường khi mang thai do lượng máu tăng lên. Tuy nhiên, tình trạng thiếu máu nghiêm trọng hơn có thể khiến trẻ có nguy cơ cao bị thiếu máu ngay từ khi sinh
Ngoài ra, nếu bà bầu bị thiếu máu đáng kể trong hai tam cá nguyệt đầu tiên, có nhiều nguy cơ thai nhi phát triển không khỏe mạnh, bị sinh non hoặc sinh con nhẹ cân hơn. Thiếu máu cũng làm tăng nguy cơ mất máu trong quá trình chuyển dạ và khiến việc chống nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn, mẹ cũng không thể phục hồi sau sinh nhanh chóng.
Thiếu máu khi mang thai điều trị như thế nào?
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của tình trạng, tuổi tác và sức khỏe chung của bà bầu
- Điều trị thiếu máu do thiếu sắt bao gồm uống bổ sung sắt định kỳ theo thời gian hoặc thực hiện nhiều lần trong ngày theo chỉ định Bác sĩ. Các tác dụng không mong muốn khi bổ sung sắt có thể là buồn nôn, táo bón, khiến phân có màu xanh đậm hoặc màu đen.
- Bác sĩ cũng có thể đề nghị bà bầu bổ sung thêm thực phẩm chứa nhiều sắt và axit folic vào chế độ ăn uống, bên cạnh các vitamin thiết yếu.
Chế độ dinh dưỡng tốt trước khi mang thai không chỉ giúp ngăn ngừa thiếu máu mà còn giúp xây dựng dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cả mẹ và con. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng trước và trong khi mang thai giúp duy trì hàm lượng sắt và các chất dinh dưỡng quan trọng khác cần thiết cho thai nhi đang phát triển.
Nguồn tham khảo:
https://www.webmd.com/baby/guide/anemia-in-pregnancy
https://www.whattoexpect.com/pregnancy/anemia/
https://www.who.int/health-topics/anaemia#tab=tab_1
https://www.msdmanuals.com/professional/gynecology-and-obstetrics/pregnancy-complicated-by-disease/anemia-in-pregnancy