Vào mùa hè, với thời tiết nóng ẩm là thời điểm lý tưởng để vi khuẩn, vi rút sinh sôi, phát triển và gây bệnh. Đây là tác nhân chính dẫn đến những căn bệnh ngoài da bé hay gặp, do sức đề kháng của bé còn non nớt cùng với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển của bé.
5 căn bệnh ngoài da bé dễ gặp vào mùa nóng
Rôm sảy
Rôm sảy là căn bệnh mà các bé thường gặp phải vào mùa hè do thời tiết nóng ẩm cùng với tuyến mồ hôi của bé chưa được phát triển hoàn thiện. Vì cơ thể của bé chưa thể tự điều chỉnh thân nhiệt để thích nghi với thời tiết nên việc cho bé mặc đồ chật, nóng và trong phòng kín cũng góp phần khiến cho rôm sảy dễ xuất hiện.

Rôm sảy thường xuất hiện những mụn li ti màu đỏ gây ngứa.
Rôm sảy thường xuất hiện tại các vùng da nhiều mồ hôi như đầu, mặt, cổ, ngực, lưng… với các nốt mụn li ti màu đỏ và gây ngứa, gãi nhiều sẽ khiến cho da bị nhiễm khuẩn.
Để bé không bị rôm sảy, cha mẹ nên cho bé nằm ở phòng thoáng mát, có điều hòa hoặc quạt ở mức độ vừa phải. Thường xuyên lau mồ hôi và tắm rửa vệ sinh cho bé cũng là biện pháp hiệu quả giúp bé tránh khỏi rôm sảy.
Chốc lở
Chốc lở là một trong những căn bệnh ngoài da mà bé hay gặp phải. Bệnh chốc lở ở bé thưởng xuất hiện theo nhiều thể dạng khác nhau: chốc lở truyền nhiễm, chốc lở dạng phỏng và chốc lở ở thể mủ. Chốc lở có thể lan sang vùng kế cận, gây viêm hạch bạch huyết gần đó. Sau khi bong vảy, thường để lại vết thâm lâu dài. Bệnh chốc lở rất dễ lây nhiễm và thường có nguyên nhân do vi khuẩn. Nếu mẹ không để ý và kịp thời chữa cho trẻ có thể dẫn đến bệnh viêm cầu thận.

Chốc lở dạng phỏng ( 1 dạng chốc lở ở bé ) rất dễ lây nhiễm, gây nguy hại cho sức khỏe của bé.
Để phòng ngừa, mẹ nên giữ cho da trẻ sạch sẽ; nhẹ nhàng rửa sạch vùng bị bệnh bằng xà phòng nhẹ dưới vòi nước và sau đó băng lại; cắt móng tay cho trẻ để trẻ khỏi cào gãi. Ngoài ra, các mẹ nên chú ý cho bé mặc quần áo thoáng mát, tránh cho bé tiếp xúc với thú nuôi và những vật dơ bẩn…
>> Xem thêm:
- Mẹo cho trẻ tắm mướp đắng để hết rôm sảy trong mùa hè
- Mách mẹ cách cho trẻ tắm lá kinh giới để tránh các bệnh về da
Mụn nhọt
Mụn nhọt là một trong những bệnh ngoài da ở bé hay gặp khiến các mẹ vô cùng lo lắng. Đây là tình trạng viêm toàn bộ nang lông và tổ chức xung quanh, chủ yếu do tụ cầu gây nên.
Biểu hiện ban đầu của bệnh mụn nhọt là đỏ sưng rồi nóng gây đau nhức, dần dần mềm vỡ ra chảy mủ và thành sẹo. Mụn nhọt có thể mọc ở nhiều nơi trên cơ thể của bé, khiến bé đau nhức, quấy khóc và giảm mức độ ăn ngủ.
Những trẻ cơ thể suy yếu, không đủ sức chống đỡ với vi khuẩn có thể bị nhọt liên tiếp ( nhọt này vừa khỏi nhọt khác lại mọc lên ) có khi gây ra các biến chứng nguy hiểm (viêm thận cấp, nhiễm khuẩn huyết…).

Mụn nhọt gây đau nhức, khiến bé quấy khóc và giảm mức độ ăn ngủ.
Để giúp bé tránh được tình trạng mụn nhọt gây nguy hiểm mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất, không nên tự ý cho bé uống thuốc, sử dụng các phương pháp dân gian ( rất dễ khiến bé bị nhiễm trùng nặng hơn ). Bên cạnh đó, các mẹ nên vệ sinh sạch sẽ không gian xung quanh bé, tắm rửa cho bé mỗi ngày bằng những loại xà phòng dành riêng cho trẻ em với công thức an toàn, cho bé mặc quần áo thoáng mát và thay quần áo cho bé ngay khi thấy ướt mồ hôi, dính vết bẩn vì thức ăn,…
Thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh ngoài da rất dễ dàng lây lan. Bé chỉ cần ở cạnh hoặc tiếp xúc với người bị thủy đậu cũng sẽ dễ bị lây nhiễm. Bé gặp phải tình trạng thủy đậu thường có các triệu chứng chính như là nổi bóng nước (thường xuất hiện rất nhanh và nổi toàn thân).
Bệnh thủy đậu ở bé thường đi kèm với sốt, gây mệt mỏi và ảnh hưởng trực tiếp tới thời gian ăn ngủ của bé. Thủy đậu thường không gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở bé. Đặc biệt, nếu bé đã từng bị 1 lần thì thường sẽ không bị nữa. Hầu hết bé chỉ cần được điều trị ở nhà như nghỉ ngơi, uống thuốc để giảm ngứa, sốt hay những triệu chứng khác như bệnh cúm.

Bệnh thủy đậu thường đi kèm sốt và rất dễ lây lan.
Chủng ngừa bằng vắc-xin là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa bệnh và giảm độ nặng của bệnh. Tiêm ngừa 2 liều để bé được bảo vệ tốt nhất. Hai liều vắc-xin thủy đậu là cần thiết cho bé. Nên cách ly khi bé bị thủy đậu để dễ dàng hơn trong việc điều trị. Ngoài ra, các mẹ nên chú ý vệ sinh sạch sẽ, cắt móng tay cho bé để tránh bé cào gãi vào các nốt thủy đậu.
Tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng cũng là một trong những căn bệnh rất thường gặp ở bé, do virus đường ruột gây ra. Đặc trưng của bệnh là hiện tượng sốt, đau họng, nổi ban có bọng nước.
Bé bị bệnh tay chân miệng thường đau khóc, bỏ bú, lúc này miệng bé có những vết lở, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi,.. Sau đó xuất hiện những vết phát ban dạng phỏng nước hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân,…

Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi,…
Để giúp bé phòng tránh cũng như điều trị bệnh tay chân miệng, các mẹ nên vệ sinh sạch sẽ cho bé thường xuyên. Tránh cho bé tiếp xúc với những vật dụng dơ bẩn. Không gian của bé nên thoáng mát và được lau chùi sạch sẽ thường xuyên.
Trên đây là 5 căn bệnh bé hay gặp phải vào mùa hè. Các mẹ nên chú ý để có thể giúp bé tránh khỏi những căn bệnh về ngoài da sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển của bé. Ngoài ra, khi bé gặp phải những tình trạng trên, các mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất để được hỗ trợ điều trị một cách đúng đắn giúp bé tránh gặp phải những vấn đề về sau này.